Ngày 16/5/2022, tại Thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Huế đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành hoạt động trị liệu (HĐTL).

Tập thể học viên cùng Ban Giám hiệu trường ĐHYD Huế, USAID, và MCNV tại lễ khai giảng

Lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ban Giám hiệu Trường ĐHYD Huế; các thầy, cô giáo phụ trách lớp học và 34 học viên là các điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN, y sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.

Khóa đào tạo HĐTL này nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2 do USAID tài trợ, với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật. Chủ Dự án là Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET), Bộ Quốc Phòng. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) là hai nhà thầu quản lí của Dự án Hòa nhập 1 và Hòa nhập 2. Với vai trò là nhà thầu thực hiện, một trong những mục tiêu MCNV đặt ra là triển khai các khóa đào tạo để cung cấp thêm lực lượng cán bộ mới tham gia vào hoạt động chuyên môn PHCN.

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế đã bày tỏ sự trân trọng đối với những hỗ trợ tích cực của Dự án dành cho Trường ĐHYD Huế nói chung và Bộ môn PHCN nói riêng trong việc phát triển năng lực, kỹ thuật chuyên môn và những hỗ trợ về cơ sở vật chất cần thiết để triển khai hoạt động thực hành cho các khóa đào tạo HĐTL. GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐTL trong mô hình PHCN đa chuyên ngành, cùng các biện pháp trị liệu khác như Vật lý trị liệu (VLTL), Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và các chuyên khoa khác trong việc cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người khuyết tật.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế phát biểu khai mạc tại lễ khai giảng

Đại diện cho các nhà thầu quản lý và thực hiện dự án, ThS. BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình đào tạo ngắn hạn này, trong đó có những đóng góp không thể thiếu của Trường ĐHYD Huế và các anh, chị học viên.

ThS.BS. Phạm Dũng cũng nhận định: Khóa học có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống PHCN tại các địa phương. Các anh, chị học viên thuộc số những người đầu tiên được đào tạo HĐTL tại Việt Nam. MCNV và lãnh đạo các đơn vị gửi gắm niềm tin sâu sắc vào những nỗ lực của các anh, chị học viên trong việc hoàn thành tốt khóa học, hoàn thành mục tiêu dự án cũng như mục tiêu nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại các địa phương. Ông cũng bày tỏ mong đợi Trường ĐHYD Huế sẽ trở thành một trung tâm đào tạo về HĐTL cho các tỉnh miền Trung với các khóa đào tạo ngắn hạn được thiết kế tốt, đào tạo có chất lượng và hiệu quả, góp phần lấp đầy những khoảng trống về nhân lực trong hệ thống PHCN.

ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai giảng

Chương trình khóa đào tạo 9 tháng về bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành HĐTL được thiết kế với 13 môn học, giảng dạy trong tổng số 750 giờ học (225 giờ lý thuyết và 525 giờ thực hành). Khóa học được chia thành 3 kỳ học, mỗi kỳ 10 tuần, giữa các học kỳ tại trường ĐHYD Huế, các học viên sẽ quay trở lại cơ sở y tế của mình để tự học trong 2 tuần với bài tập được giao nhằm ứng dụng các kiến thức, kĩ năng được học tại chính cơ sở y tế nơi học viên đang công tác.

ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐHYD Huế
trình bày về Chương trình khóa học tại lễ khai giảng

Anh Lê Đại Dương, kỹ thuật viên PHCN, Khoa PHCN, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, một trong số những học viên của khóa học cho biết, anh từng được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về HĐTL qua một khóa học 7 tuần, nội dung chính là can thiệp HĐTL cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Anh Dương mong đợi, khóa học 9 tháng tới đây sẽ cung cấp cho anh những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về HĐTL để có thể can thiệp hỗ trợ cho những loại hình bệnh tật đa dạng mà bệnh viện thường tiếp nhận như tổn thương não, tai biến sau tai nạn, tổn thương tủy sống, v.v…

Chị Lê Thị Quỳnh Vân, Khoa Nội tổng hợp – An dưỡng – Nhi, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – PHCN Tỉnh Kon Tum cho biết: Tại đơn vị công tác, nhu cầu bệnh nhân cần tới HĐTL là rất lớn, nhất là trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào VLTL. Thông qua khóa học, chị Quỳnh Vân hi vọng bản thân sẽ trau dồi được những kiến thức và kỹ năng về lượng giá, lập kế hoạch can thiệp, can thiệp và đánh giá sau can thiệp, góp phần vào việc phát triển HĐTL tại bệnh viện, giúp các bệnh nhân có điều kiện được tiếp cận với HĐTL ngay tại khu vực sinh sống, thay vì phải di chuyển xa.

Đại diện các học viên, anh Đặng Xuân Tùng, Kĩ thuật viên VLTL, Bệnh viện PHCN Tỉnh Thừa Thiên Huế
bày tỏ sự cảm ơn đối với dự án tại lễ khai giảng

Ngay sau lễ khai giảng, các học viên sẽ tham gia buổi học đầu tiên vào sáng 17/5/2022 tại Trường ĐHYD Huế. Kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục về PHCN chuyên ngành HĐTL./.

Bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Tin Liên Quan