Tại Đại hội Hoạt động Trị liệu Thế giới 2026 (WFOT Congress 2026) – sự kiện học thuật lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực Hoạt động Trị liệu (HĐTL), Việt Nam lần đầu tiên chính thức góp mặt với 5 bài trình bày.
Những đóng góp này không chỉ khẳng định sự phát triển nhanh chóng và nỗ lực không ngừng của những nhà thực hành HĐTL, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và đánh dấu một cột mốc mới cho HĐTL Việt Nam.
🔹 1. Hướng tới kiểm định chương trình đào tạo HĐTL đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế
-
Người trình bày: ThS Phạm Ngọc Đạt cùng nhóm Giảng viên HĐTL
-
Đơn vị: Trường Điều dưỡng – Kỹ thuật y học, Đại học Y Dược TP.HCM
Nội dung báo cáo xoay quanh tiến trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo HĐTL đạt chuẩn quốc tế – một yêu cầu cần thiết để Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Hoạt động Trị liệu Thế giới (WFOT).
Việc kiểm định quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tạo nền tảng cho nghiên cứu, giảng dạy và hành nghề đạt chuẩn toàn cầu – hướng đến một thế hệ chuyên viên trị liệu chuyên nghiệp, hội nhập.
🔹 2. Khảo sát toàn cảnh thực hành HĐTL tại Việt Nam
-
Người trình bày: CN Lê Huỳnh Thiện Nhân – Học viên Sau đại học
-
GVHD: ThS Nguyễn Huỳnh Ngọc Mai Trâm – Giảng viên HĐTL
-
Đơn vị: Trường Điều dưỡng – Kỹ thuật y học, Đại học Y Dược TP.HCM
Nghiên cứu là bước phát triển từ các khảo sát trước đây, mở rộng quy mô và đi sâu vào góc nhìn của các nhà trị liệu đang hành nghề trên cả nước.
Dữ liệu thu được phản ánh chân thực thực trạng hiện nay: những cơ hội, khó khăn và đề xuất định hướng phát triển bền vững cho ngành HĐTL tại Việt Nam.
🔹 3. Mô hình can thiệp tiên phong sau đột quỵ tại Việt Nam
-
Người trình bày: CN Trịnh Hiếu Liêm – Chuyên viên HĐTL, Bệnh viện An Bình
Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp can thiệp nhóm dựa trên hoạt động (Occupation-Based Intervention – OBI) cho người bệnh sau đột quỵ.
Mô hình tích hợp vận động trị liệu, âm nhạc và hoạt động nhóm đã cho thấy hiệu quả tích cực, tạo tiền đề nhân rộng trong các bệnh viện và cơ sở phục hồi chức năng.
🔹 4. Thiết lập dữ liệu tham chiếu lực nắm và lực kẹp tay người trẻ Việt Nam
-
Người trình bày: CN Lê Phạm Vân Anh, CN Nguyễn Thị Thu Hương
-
GVHD: ThS Phạm Ngọc Đạt
-
Đơn vị: BV Nhi Đồng TP, BV Nhi Đồng 1 và ĐH Y Dược TP.HCM
Nghiên cứu đã thiết lập bộ dữ liệu chuẩn đầu tiên tại Việt Nam về lực nắm và lực kẹp tay ở người trưởng thành trẻ tuổi.
Đây là nền tảng quan trọng cho việc đánh giá chức năng vận động tay, thiết kế các chương trình trị liệu và phục hồi phù hợp với đặc điểm thể chất người Việt.
🔹 5. Phát hiện về quy tắc 10% lực tay thuận ở người Việt Nam trưởng thành
-
Người trình bày: CN Võ Nhật Nam – Học viên Sau đại học, Đại học Gunma, Nhật Bản
Nghiên cứu cho thấy tay thuận của người Việt Nam trưởng thành thường có lực mạnh hơn tay không thuận khoảng 10%, đặc biệt rõ ở nhóm người thuận tay phải.
Phát hiện này góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu y học thực hành dựa trên chứng cứ, phục vụ đánh giá lâm sàng và xây dựng tiêu chí trị liệu cá nhân hoá.
🌟 Tự hào là thế hệ tiên phong!
Lần đầu tiên góp mặt tại đại hội quốc tế lớn nhất ngành HĐTL, các đại diện Việt Nam đã không chỉ mang đến các báo cáo khoa học chất lượng, mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới, không ngừng học hỏi và cống hiến cho cộng đồng.
🔗 Cột mốc hôm nay chính là nền móng cho một tương lai phát triển mạnh mẽ, chuẩn hóa và hội nhập sâu rộng của ngành Hoạt động Trị liệu tại Việt Nam.
Bình luận