Đào tạo hoạt động trị liệu nâng cao nhân lực phục hồi chức năng

(Dân trí) – Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế khai giảng khóa “Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành hoạt động trị liệu”.

Đào tạo hoạt động trị liệu nâng cao nhân lực phục hồi chức năng - 1
Đại diện USAID, CCIHP, CCRD, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), Trường Đại học Y dược (ĐHYD) Huế, các giảng viên và học viên tại lễ khai giảng (Ảnh: MCNV).

Khóa đào tạo là hoạt động thuộc dự án “Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam” (gọi tắt là Dự án Hòa nhập). Chủ dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua các đối tác quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD).

Phục hồi chức năng (PHCN) là một trong bốn hợp phần của chăm sóc sức khỏe gồm dự phòng, điều trị, PHCN và nâng cao sức khỏe. Hoạt động trị liệu (HĐTL) là một lĩnh vực chuyên sâu của PHCN. HĐTL đóng góp trực tiếp vào việc đạt được đích đến sau cùng của PHCN là giúp người bệnh, người khuyết tật (NKT) tăng cường khả năng thực hiện các hoạt động chức năng, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội.

HĐTL sử dụng các bài tập kỹ năng, dụng cụ trợ giúp, kết hợp với điều chỉnh môi trường sống phù hợp với tình trạng khuyết tật cụ thể nhằm mục đích khôi phục các chức năng sinh hoạt hàng ngày của NKT. Với vai trò quan trọng đó, HĐTL đã trở thành một lĩnh vực PHCN quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, HĐTL vẫn chưa được phát triển do thiếu nhân lực kỹ thuật.

Hiện nay, HĐTL được triển khai tại các bệnh viện, trung tâm PHCN ở các thành phố lớn và một số ít bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở xuống chưa cung cấp dịch vụ HĐTL. Trong bối cảnh này, các khóa đào tạo trung hạn là giải pháp thiết thực để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc PHCN của người dân nói chung và NKT nói riêng.

Với vai trò là một đơn vị thực hiện Dự án Hòa nhập, MCNV đã phối hợp với Trường ĐHYD Huế triển khai khóa đào tạo cơ bản về HĐTL dành cho 36 cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.

Đào tạo hoạt động trị liệu nâng cao nhân lực phục hồi chức năng - 2
Cán bộ y tế hướng dẫn trẻ bại não thực hiện hoạt động mặc áo (Ảnh: MCNV).

Bắt đầu từ tháng 5/2022, với thời lượng 9 tháng học tập trung, chương trình đào tạo gồm 13 môn học với 750 tiết học, trong đó thực hành chiếm 2/3 thời lượng (525 tiết). Khóa học trang bị cho học viên kiến thức tổng quan về HĐTL và kỹ năng thực hành các kỹ thuật HĐTL trong PHCN NKT với một số tình trạng sức khỏe thường gặp ở tuyến cơ sở, ở cả người lớn và trẻ em, như đột quỵ, chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống, chấn thương chi trên, bại não, khuyết tật trí tuệ,…

Theo ThS.BS Hà Chân Nhân (Trưởng Bộ môn PHCN – Trường ĐHYD Huế), chương trình đào tạo được Trường ĐHYD Huế và MCNV phối hợp xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo HĐTL chính quy và trung hạn đã có, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của địa phương.

“Khóa đào tạo có thể giúp các học viên sau khi tốt nghiệp thực hiện các kỹ thuật lượng giá, can thiệp HĐTL cơ bản và thể hiện được tính chuyên nghiệp của một chuyên viên HĐTL trong nhóm PHCN đa ngành gồm bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên HĐTL, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu,…”, ThS.BS Hà Chân Nhân nói.

Lần đầu tiên giảng dạy một khóa đào tạo trung hạn về HĐTL sau khi tốt nghiệp chương trình cao học HĐTL tại Đại học Manipal (Ấn Độ), ThS Nguyễn Khắc Tuấn cho biết: “Khó khăn lớn nhất là các học viên có xuất phát điểm không giống nhau, không phải ai cũng có sẵn nền tảng về PHCN. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này cũng là một thuận lợi trong việc giảng dạy. Chúng tôi lựa chọn những học viên đã có nền tảng về PHCN làm thành viên nòng cốt trong các nhóm thực hành, để dẫn dắt, hỗ trợ các học viên khác. Bên cạnh đó, sự đa dạng về xuất phát điểm trong chuyên môn cũng tạo điều kiện cho học viên được tiếp cận với cách làm việc, cách phối hợp trong nhóm PHCN đa ngành”.

Đào tạo hoạt động trị liệu nâng cao nhân lực phục hồi chức năng - 3
Chị Thảo (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn NKT tổn thương não xếp gỗ để cải thiện chức năng bàn tay (Ảnh: MCNV).

Tham gia khóa học và cũng là lần đầu tiên biết tới HĐTL, chị Lê Thị Kim Thảo (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Trước đây, tôi cứ nghĩ HĐTL phụ thuộc vào các phương tiện, máy móc hiện đại. Đi học rồi mới hiểu, HĐTL rất gần gũi với đời sống, như thiết kế những đồ dùng sinh hoạt: chiếc cốc, chiếc thìa,… trở nên dễ cầm nắm cho bệnh nhân bị yếu hoặc liệt nửa người, giúp họ tập luyện chức năng bàn tay bằng các trò chơi xếp gỗ,… Tôi được thực hành lâm sàng tại bệnh viện, học cách lượng giá, phân tích về suy giảm chức năng, tìm hiểu xem bệnh nhân cần gì, muốn gì. Tôi cũng được rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình… giúp tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Hy vọng sau khi hoàn thành khóa học, tôi có thể áp dụng những gì đã học để hỗ trợ cho người cao tuổi bị đột quỵ và trẻ khuyết tật ở địa phương”.

Theo đại diện MCNV, khóa học sẽ kết thúc vào tháng 2/2023. Sau khi tốt nghiệp, 36 cán bộ y tế sẽ trở về địa phương, góp phần vào việc tăng cường chất lượng dịch vụ PHCN cho NKT. Đối với một số cơ sở y tế, đây là lần đầu tiên có cán bộ được đào tạo bài bản về HĐTL.

Bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Tin Liên Quan