Dự án Tôi lớn mạnh giúp Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế tăng cường nhân lực phục hồi chức năng

Hội thảo Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phục hồi chức năng do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức đã diễn ra tại Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Thừa Thiên – Huế vào các ngày 15 và 21/02/2021.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) liên chuyên khoa trong chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tât phát triển” (I-THRIVE – Tôi lớn mạnh) được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với chủ dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế.

Dự án Tôi lớn mạnh có ba mục tiêu, trong đó mục tiêu “Nâng cao năng lực của cán bộ PHCN tuyến tỉnh và tuyến huyện” do MCNV triển khai thông qua các khóa bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN theo hình thức đào tạo 12 tháng kết hợp học lý thuyết, thực hành trên lớp và thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Các chuyên ngành được đào tạo là Hoạt động trị liệu, Vật lý trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu; do Trường Đại học Y Dược Huế và Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng thực hiện.

Hội thảo là sự kiện để Dự án đánh giá kết quả đào tạo, trao chứng chỉ cho các học viên tốt nghiệp và thống nhất kế hoạch hỗ trợ thực hành lâm sàng tại cơ sở cũng như đề xuất sử dụng nguồn nhân lực theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ được bồi dưỡng.

Ths. Bs. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo báo cáo của Dự án, qua hơn 1 năm học tập, tất cả 80 học viên là các y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên PHCN tại tuyến cơ sở đã hoàn thành khóa học.

Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Bs. Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của tập thể học viên, giảng viên trong một năm nhiều biến động do đại dịch COVID và thiên tai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển nguồn nhân lực cũng như các dịch vụ PHCN theo hướng tiếp cận đa ngành.

Bà Phạm Thị Lê Dung, cán bộ chương trình cấp cao, đại diện USAID trao chứng chỉ cho các học viên.

Khóa đào tạo được hoàn thành cũng là thời điểm MCNV và các đối tác bước vào giai đoạn mới của I-THRIVE, với nhiệm vụ triển khai hỗ trợ thực hành lâm sàng cho học viên đã tốt nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sử dụng nhân lực tại tuyến cơ sở.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tại Hội thảo,  đại diện các Sở Y tế Tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, đại diện các Bệnh viện, Trung tâm y tế có cán bộ được tham gia đào tạo trong dự án Tôi lớn mạnh đã tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo, tạo điều kiện công tác đúng chuyên môn cho cán bộ PHCN, truyền thông nâng cao nhận thức về PHCN trong cộng đồng./.

*Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 2,4 tỷ người có nhu cầu PHCN ở các mức độ khác nhau.

*Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và là một trong số các Quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra dân số của Tổng cục thống kê, hiện tại, Việt Nam có khoảng 12 triệu người từ 60 trở lên – khoảng 13% dân số, dự báo sẽ tăng lên 23 triệu người vào năm 2053, chiếm 20% dân số) .

*Song song với đó là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (đột quỵ, tim mạch), các chấn thương do tai nạn. Đây là những yếu tố khiến cho nhu cầu phục hồi chức năng của người dân đang tăng nhanh hiện nay và trong những năm tới.

*Tại Việt Nam, 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó có điều kiện được tiếp cận với PHCN.

*Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết về việc lồng ghép dịch vụ PHCN vào các cơ sở y tế đa khoa, phổ biến PHCN tới các tuyến y tế cơ sở và theo hướng tiếp cận đa ngành. Tuy nhiên, nhân lực PHCN tại Việt Nam còn khá hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở. Các chương trình đào tạo tại chỗ, liên tục và ngắn hạn cho cán bộ y tế địa phương có thể được xem là giải pháp phù hợp để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt trong giai đoạn hiện nay.

 

Bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Tin Liên Quan