Thông qua những trải nghiệm trực quan, sinh động và chia sẻ đầy tâm huyết từ các chuyên gia, Hội thảo “Hoạt động trị liệu: cơ hội và lựa chọn” là “cầu nối” đưa tân sinh viên ngành phục hồi chức năng ĐH Y Dược TP.HCM tới gần hơn với một chuyên ngành hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Nếu Vật lý trị liệu (VLTL) có lịch sử phát triển qua nhiều thập niên, thì Hoạt động trị liệu (HĐTL) và Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) vẫn còn là những chuyên ngành rất “trẻ” trong lĩnh vực phục hồi chức năng (PHCN) tại Việt Nam khi mới được đưa vào chương trình đào tạo chính quy tại một số trường y khoa từ năm 2016 và 2017.
Tại ĐH Y Dược TP.HCM, hoàn thành năm thứ nhất với các nội dung đại cương, bước vào năm thứ hai, sinh viên ngành PHCN sẽ được lựa chọn một trong 3 chuyên ngành: VTLT, NNTL và HĐTL. Để đưa ra được quyết định đúng đắn, phù hợp, thì hiểu biết và nhận thức về các chuyên ngành một cách đầy đủ và toàn diện là hành trang không thể thiếu.
Đồng hành cùng các tân sinh viên trong định hướng chuyên ngành học, Hội thảo với chủ đề “HĐTL: Cơ hội và lựa chọn” được tổ chức bởi Bộ môn PHCN (Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược TP.HCM) vào ngày 15/10/2022. Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, chương trình là “cầu nối” đưa HĐTL tới gần với các tân sinh viên, từ khái niệm HĐTL cho tới vị trí, vai trò của chuyên ngành này trong hệ thống y tế, định hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam cũng như các cơ hội nghề nghiệp HĐTL. Là một trong những diễn giả tham dự Hội thảo, ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), đơn vị trực tiếp triển khai Dự án Phát triển đào tạo HĐTL tại Việt Nam – được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức HI – đã có phần trình bày về vai trò và các xu hướng phát triển của HĐTL tại Việt Nam. “Hoạt động trị liệu có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hằng ngày, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống cho đến những hoạt động ‘cao cấp’ hơn như lao động, học tập”, ThS.BS.Phạm Dũng cho biết.
ThS.BS. Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) chia sẻ về định hướng HĐTL tại Việt Nam
Giám đốc MCNV cũng nhấn mạnh vai trò của HĐTL trong việc cải thiện khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, thích nghi với công việc, nghề nghiệp trong tình trạng khuyết tật hoặc suy giảm chức năng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân/khách hàng. Là giảng viên HĐTL tại ĐH Y dược TP.HCM và đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, TS. Alexander Tú Nguyễn đã chia sẻ góc nhìn về HĐTL như một sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật trong việc cải thiện chức năng và chất lượng sống. Lấy ví dụ từ việc lồng ghép một điệu múa đơn giản vào một chuyển động hết sức quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày như “đứng lên ngồi xuống”, TS. Alexander Tú Nguyễn đã mang tới Hội thảo những khía cạnh đầy sáng tạo, linh hoạt của HĐTL. “Một điểm rất thú vị là dựa trên nền tảng kiến thức chuyên ngành, chuyên viên HĐTL có thể áp dụng bất kỳ hoạt động nào mà bệnh nhân yêu thích trong quá trình điều trị”, TS.Alexander Tú Nguyễn cho biết. Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp của chuyên ngành HĐTL, ThS.BS.Phạm Dũng nhận định: Nhu cầu PHCN tại Việt Nam đang tăng cao trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong khi đó, nhân lực ngành PHCN, nhất là trong những lĩnh vực mới như NNTL và HĐTL còn rất hạn chế. Do vậy, những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Theo Bộ môn PHCN, ĐH Y Dược TP.HCM, cơ hội dành cho Cử nhân HĐTL rất rộng mở. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chuyên ngành này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị tuyển dụng như các bệnh viện lớn, trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ, các dự án cộng đồng. Nhiều cựu sinh viên chuyên ngành HĐTL tại ĐH Y Dược TP.HCM hiện đang công tác tại nhiều đơn vị chuyên môn uy tín như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện C Đà Nẵng, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam. Tốt nghiệp khóa 1 chương trình Cử nhân HĐTL, anh Hồ Lê Trung hiện đang là Trưởng đơn vị HĐTL tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN (Bệnh viện 1A) tại TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận sau 2 năm gắn bó với ngành HĐTL, anh cho biết: “Trong lĩnh vực HĐTL, các bạn rất cần sự tỉ mỉ, tinh tế, biết quan sát bệnh nhân, chăm sóc cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên viên cũng rất cần sự sáng tạo, nhất là khi cần làm những dụng cụ để tập cho bệnh nhân”.
Theo anh Hồ Lê Trung, đơn vị HĐTL tại bệnh viện anh đang công tác có những khu “chuyên dụng”, chẳng hạn một phòng lớn được sắp xếp như căn hộ thực sự, với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… Ở đó, bệnh nhân (sau chấn thương sọ não, bị khiếm khuyết chi…) sẽ được tập thực hiện những công việc hàng ngày trong một môi trường quen thuộc như ở nhà, ví dụ như tập pha nước chấm, xúc ăn với dụng cụ cải tiến… Tại Hội thảo, bên cạnh những chia sẻ từ “người trong nghề”,các tân sinh viên còn được làm quen với HĐTL một cách trực quan, sinh động qua các trò chơi trải nghiệm như di chuyển trên xe lăn, dùng một tay mặc áo, làm vệ sinh cá nhân hay đọc chữ phản chiếu qua gương. Đây là những hoạt động hữu ích góp phần bồi đắp sự thấu hiểu đối với những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người khuyết tật, đồng thời thể hiện cụ thể và rõ nét vai trò của chuyên viên HĐTL trong góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ./.
*Những trải nghiệm đáng nhớ tại Hội thảo HĐTL: Cơ hội và Lựa chọn:
Bình luận