“Một trong những câu hỏi mà tôi rất hay nhận được từ mọi người, bên cạnh những câu như “Hoạt động trị liệu là gì?”, “Hoạt động trị liệu và Vật lý trị liệu khác nhau như thế nào?” thì còn là “Tại sao hồi đó lại chọn ngành này?”
Nếu có ai đó hỏi chúng tôi “Tại sao bạn lựa chọn học ngành Hoạt động trị liệu?” thì chúng tôi tin rằng tất cả chúng tôi đều có thể đồng thanh mà nói to “đó là vì chữ DUYÊN’’.
Chúng tôi đều tin vào một chữ “Duyên” – điều đã gắn chúng tôi với chuyên ngành mới mẻ này. Chọn Phục hồi chức năng là một cái duyên, chọn Hoạt động trị liệu cũng là một cái duyên và chúng tôi tin là tương lai dù có làm việc trong môi trường cộng đồng hay bệnh viện thì nó cũng là một cái duyên.
“Tôi vui vì Hoạt động trị liệu đã chọn tôi” – Bạn Đào Hoàng Phương Thy chia sẻ. Hay như bạn Nông Thị Ngọc Lan cho biết: “Đến với Hoạt động trị liệu như một cái duyên tình cờ, cơ duyên ấy đã gắn kết những con người đam mê sự mới mẻ, sáng tạo lại với nhau.”
Một cậu bạn trong lớp – bạn Hồ Lê Trung – phân tích về lựa chọn của mình. “Chắc nói mọi người cũng không tin, tôi chọn vì nghĩ rằng nó là cái duyên đến với mình thì mình nhận thôi. Cái thời mà ngay cả Vật lý trị liệu là học về cái gì tôi cũng không tường thì Hoạt động trị liệu ập tới mới mẻ đến mức mơ hồ. Cô Vân là trưởng bộ môn và anh Dũng của tổ chức MCNV là những người đã giới thiệu về ngành này cho cả lớp tôi và chúng tôi có 2 tuần để quyết định lựa chọn cho tương lai của mình. Lúc ấy, tôi không cân đo hai con đường đó thiệt hơn thế nào, tôi chỉ nhớ lời của cô Vân có nói “Dự án này dự kiến là dành cho lớp Vật lý trị liệu 15 thế nhưng vì các anh chị đã vào chuyên ngành nên cơ hội này dành cho các em, lớp Vật lý trị liệu 17 thì quá mới”. Chẳng phải nếu vào trường sớm hơn hoặc trễ hơn thì tôi đã không có cơ hội này hay sao? Hoạt động trị liệu đến Việt Nam vào năm học của chúng tôi chẳng phải là cái duyên hay sao? Vì vậy, tôi đã chọn ngay con đường đối với một số người cho là mạo hiểm này, bỏ qua những khó khăn mà tôi có thể dễ dàng mường tượng ra phía trước. Một phần cũng vì tôi tin tưởng lãnh đạo của trường mình, thầy cô của bộ môn mình và phía tổ chức thực hiện dự án. Chắc chắn họ đã rất cẩn trọng, xem xét và có kế hoạch cực kì kỹ lưỡng cho dự án này và họ sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho mình. Nên vì thế mà tôi bước đến Hoạt động trị liệu với tinh thần sẵn sàng học hỏi, chấp nhận những thách thức và nhất quyết trở thành những người đầu tiên đưa chuyên ngành này phổ biến ở đất nước mình.”
Nếu giờ ai hỏi chúng tôi về những gì đã được học, thì có lẽ chúng tôi sẽ hỏi họ có sẵn sàng ngồi nghe chúng tôi nói thao thao bất tuyệt vài ngày hay không. Bởi lẽ, không cách nào trong một khoảng thời gian ngắn chúng tôi có thể giải thích được những điều mà Hoạt động trị liệu đã và đang thay đổi thế giới quan của chúng tôi. Nhiều bạn trong lớp cũng cảm nhận điều đó rất rõ ràng vì chúng tôi thường ngồi lắng nghe chia sẻ của nhau.
Trung hay bảo “thanh xuân” của cậu ấy là Hoạt động trị liệu: “Kỳ lạ lắm, càng học tôi lại càng thấy cuốn hút bởi ngành học đặc biệt này. Ngành học mà thường nói vui là phải dành cả thanh xuân để định nghĩa tên gọi. Ngành học y tế mà có sự pha trộn của nhiều ngành “ngoại bang” khác như kỹ thuật, nghệ thuật, tâm lý học, xã hội học… Một ngành học đòi hỏi không chỉ thể lực, trí tuệ mà còn sự sáng tạo, óc quan sát tinh tế và hiểu tâm lý. Nguyên tắc “Lấy khách hàng làm trung tâm” ăn sâu làm thay đổi lối suy nghĩ và cách nhìn của tôi về việc chữa trị cho bệnh nhân của mình. Có ai hỏi học HĐTL thế nào. Tôi xin khẳng định rằng vui và mệt. Vui vì học chương trình nước ngoài, giảng viên nước ngoài với lối giảng dạy ngoài nước, chúng tôi thực sự thoải mái khi học, thoải mái sáng tạo, có đầy những hoạt động thú vị mà ít ngành y tế nào có được. Nhưng cũng rất mệt khi khối lượng kiến thức khổng lồ với cường độ học cao, luôn phải rèn luyện tư duy sáng tạo, học song ngữ và không có quá nhiều tài liệu tham khảo có thể tiếp cận.”
Cô bạn Phương Thy cũng nói: “Hoạt động trị liệu dạy tôi rất nhiều và cũng thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều. Câu đầu tiên mà tôi được nghe khi học Hoạt động trị liệu là của cô Meena – Giảng viên đến từ trường Đại học Manipal, Ấn Độ: “Không có gì là sai cả”. Đúng vậy, mọi thứ điều có lý do của nó, ẩn sâu trong một hành động không thể chấp nhận được đều có lý do của nó. Đó cũng chính là cách tôi làm việc với bệnh nhân của mình, nghe và thấu hiểu.”
Lớp học của chúng tôi là một lớp học hết sức đặc biệt. Đặc biệt từ “xuất xứ” của giảng viên và cả sinh viên – có một không hai.
Giảng viên của chúng tôi cũng là những người đặt biệt. Một tiết học chúng tôi đều có từ 2 đến 3 giảng viên. Một giảng viên chính đến từ Ấn Độ. Bỏ qua những rào cản ngôn ngữ và văn hóa, họ cố hết sức truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất về Hoạt động trị liệu theo cách hiệu quả và dễ hiểu nhất, cực kì tâm lý và nhiều phương pháp giảng dạy thú vị. Ngoài ra, trong lớp lúc nào cũng có từ một đến hai giảng viên là những “phiên dịch viên không chuyên nhưng lại rất chuyên”. Các phiên dịch viên ngày đêm trau dồi tiếng Anh và kiến thức để làm nhiệm vụ dịch thuật từ lời của giảng viên nước ngoài đến tài liệu tham khảo và đề thi. Có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười cùng với tranh cãi về những bản dịch nhưng các anh chị (gọi là anh chị vì họ còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi) luôn cố gắng đảm bảo cho chúng tôi hiểu được bài, tôi thấy được họ còn căng thẳng hơn cả chúng tôi ngồi học.”
Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi học kì chúng tôi lại tiếp cận với một giảng viên mới và một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Chúng tôi học cách thích nghi thật nhanh để bắt kịp và tiếp thu hệ thống kiến thức mới. Mỗi giảng viên đều để lại trong chúng tôi một ấn tượng riêng. Nếu câu hỏi buộc chúng tôi phải chọn giảng viên mà chúng tôi yêu thích nhất, chúng tôi thật sự không thể trả lời được. Chúng tôi chỉ có thể chọn nét tính cách mà người đó khiến chúng tôi ấn tượng khó quên nhất. Như đối với cô bạn Thy cùng lớp thì GS. Sebestina (trưởng khoa HĐTL, ĐH Manipal, Ấn Độ) khiến bạn dễ tiếp thu nhất vì các tiết học của cô luôn rất thú vị, dễ hiểu và thực tế. Một cô bạn khác lại quý mến các thầy cô và anh chị tại bộ môn chúng tôi hơn cả, bạn hay bảo: “Những ngày tháng học lý thuyết miệt mài trên ghế nhà trường với muôn kiểu khó khăn, sự khác biệt về ngôn ngữ khiến chị Liên và chị Đoan – 2 chị dịch thuật cho chúng tôi cũng cật lực rất nhiều mới giúp chúng tôi hiểu được. Cùng với những kỳ thực tập bệnh viện mà cô Vân – cô trưởng bộ môn luôn phải tìm kiếm những tình nguyện viên Hoạt động trị liệu Quốc tế để hướng dẫn đám học trò này, vì hiển nhiên ở Việt Nam thời điểm ấy chưa có chuyên viên Hoạt động trị liệu nào cả.”
Có một điều đặc biệt không thể không kể đó, chính là tập thể lớp của chúng tôi. Một lớp học mà trước nay tôi chưa từng tưởng tượng được bản thân mình sẽ tham gia và gắn bó trong suốt 4 năm tại đại học. Kể một chút xíu về các thành viên trong lớp. Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của lớp học Hoạt động trị liệu của bộ môn Phục hồi chức năng ĐH Y Dược Tp. HCM chính là có cả liên thông và chính quy. Cơ hội này thật hiếm có vì học chung với các anh chị lớn đã làm Vật lý trị liệu nhiều năm kinh nghiệm nhưng giờ các anh chị muốn đi học nâng cao về Hoạt động trị liệu, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về công việc phục hồi chức năng, nhất là về người anh em Vật lý trị liệu. Chúng tôi gọi nhau một cách đầy trìu mến là “đội người già” và “đội những đứa trẻ”. Giữa chúng tôi không hề có khoảng cách, ngược lại còn xem như là gia đình.
“Những đứa trẻ” ấy cũng chính là 12 thành viên lớp chính quy đầu tiên của cả Việt Nam vừa mới tốt nghiệp. Chính vì với số lượng ít ỏi nên tình cảm của chúng tôi vô cùng gắn bó. 12 con người, đại diện cho 12 tính cách khác biệt nhưng chúng tôi là tập thể thực sự là gắn kết. Bên cạnh những lúc học cùng nhau là những lúc chơi cùng nhau, làm cùng nhau, ăn cùng nhau thậm chí là ngủ cùng nhau. Nói về những kỉ niệm vui buồn là không thể kể hết nhưng chắc chắn rằng đó đều là kỉ niệm đẹp. Có nhiều khi, chúng tôi ngồi với nhau mà nói về tương lai và động viên nhau cố gắng. Vì có 12 người, chúng tôi thực sự quan tâm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nhường nhịn nhau như anh em ruột. Cô bạn Phương Thy chia sẻ: “Tôi muốn nói thật nhiều về 12 bạn lớp tôi. Tôi vui vì có những người bạn đồng hành trong đời sinh viên thật tuyệt vời. 12 con người, 12 mảnh ghép đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo. Để trả lời câu hỏi: Ai là người bạn hâm mộ nhất? Tôi sẽ trả lời là tôi hâm mộ cả 12 con người. Trong chúng tôi không ai hoàn hảo cả, nhưng mỗi người chúng tôi đều có những thế mạnh riêng, tôi hy vọng cả 12 đứa đều gặp được môi trường phù hợp nhất để có thể phát huy hết năng lực của bản thân. Chúc các cậu trở thành một nhà Hoạt động trị liệu thật giỏi!”
Có lẽ lời cảm ơn là không đủ để thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã đồng hành với chúng tôi. “Cảm ơn MCNV, HI, USAID đã luôn là đồng hành với chúng em, dù thời gian tiếp xúc mỗi lần đều rất ngắn ngủi nhưng chúng em cảm nhận rõ ràng những nỗ lực trong công cuộc truyền bá giúp chúng em tìm chỗ đứng khi mà chúng em là một “khái niệm” quá mới mẻ. Cảm ơn quý thầy cô Bộ môn Vật lý trị liệu rất nhiều, các thầy cô luôn tạo mọi điều kiện cho chúng em và tạo bước đà cho chúng em vươn thật xa. Điều quan trọng phải nhắc lại lần hai, cảm ơn vì đã mang Hoạt động trị liệu về Việt Nam, nhờ vậy chúng em mới có cơ hội được học và trở thành những nhà Hoạt động trị liệu đầu tiên.
Trong suốt 4 năm qua, chúng tôi là động lực của nhau để cùng nhau vượt qua những thách thức, cùng nhau tiến về phía trước. Không ngừng động viên nhau dù lý do bắt đầu của mỗi người là gì nhưng giờ thì tất cả đều hướng tới sự phát triển của Hoạt động trị liệu trong tương lai. Con đường của Hoạt động trị liệu ở Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan. Ở ngoài kia, còn rất nhiều người chưa biết đến ngành, chưa hiểu công việc và vai trò của ngành mà có những nhận định sai lầm. Đó cũng chính là động lực để dự án và chúng tôi sẽ không bỏ cuộc mà ngày càng làm việc chăm chỉ, cố gắng tìm cách chứng tỏ bản thân vì tôi tin Hoạt động trị liệu có thể giúp đỡ được nhiều bệnh nhân và đóng góp nhằm nâng cao nền y tế Việt Nam. Nhắn gửi riêng cho 12 con người, 12 tính cách riêng biệt đã tạo nên một lớp Hoạt động trị liệu huyền thoại như vậy. Cuối cùng, 12 đứa chúng tôi đã tốt nghiệp rồi, sau này sẽ là chuỗi ngày bản thân mỗi người tự cố gắng cho chính ngành nghề của mình. Chúng tôi chẳng mong cầu mọi điều suôn sẻ, chỉ mong bản thân giữ mãi sức trẻ để vượt qua những khó khăn ở phía trước mà vươn lên, mà ngày càng phát triển ngành, vì Việt Nam cần lắm những nhà Hoạt động trị liệu.
Thanh xuân của bạn là gì? Với chúng tôi đó là Hoạt động trị liệu!
Cùng cố gắng nào!
(Tập thể lớp cử nhân HĐTL 2016-2020, ĐH Y Dược Tp. HCM)
Bình luận