Hoạt động trị liệu trong sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân Parkinson

Bệnh Parkinson là bệnh thường gặp trong nhóm bệnh do thoái hóa mãn tính tiến triển của hệ ngoại tháp. Bệnh được biết đến với các nhóm triệu chứng về rối loạn vận động và ngoài rối loạn vận động. Tuy nhiên ngày nay chưa nhiều nghiên cứu can thiệp áp dụng hoạt động trị liệu trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADLs) tại Việt Nam, do đó chưa thể giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống để thực hiện các chức năng sinh hoạt ban đầu của họ. James Parkinson là người đầu tiên mô tả bệnh này, năm 1817 với các biểu hiện run rẩy, rối loạn tư thế và dáng đi. Parkinson được xem là rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai trên toàn thế giới. Trung bình có khoảng 18 – 418 ca trên 100000 người trên thế giới, 102 – 190 người trên 100000 người ở các nước phương Tây. Bệnh ảnh hưởng trên cả nam và nữ, nhưng ít phổ biến hơn ở nam giới. Bệnh lý Parkinson phát triển điển hình ở người sau 50 tuổi và ảnh hưởng đến 2% dân số sau 65 tuổi. Dự đoán số lượng người mắc bệnh sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020 bởi tác động của dân số già.

Lớn tuổi là yếu tố nguy cơ cao nhất của sự phát triển PD. Thường phổ biến nhất là độ tuổi 60, nhưng những biểu hiện có thể bộc lộ sớm trước đó từ 10 đến 20 năm trước khi được chuẩn đoán. Bên cạnh đó tiền sử mắc bệnh trong gia đình của PD là yếu tố lớn thứ hai. Xấp xỉ 10-15% PD có ít nhất 1 người thân có quan hệ gần mắc bệnh này. Về yếu tố giáo dục đại học, theo nghiên cứu gần đây của Rochester, Minnesota, Mỹ, những người học đại học trên 9 năm sẽ có chỉ số Odds Ratio là 2.0 (95% CI 1.1–3.6) so với những người học ít hơn. Nghề nghiệp cũng được xem xét là một yếu tố nguy cơ của PD. Trong nghiên cứu của Rochester, các bác sĩ có nguy cơ phát triển PD cao hơn, trong khi đó người làm việc trong ngành xây dựng, ngành tiếp xúc với kim loại và các kỹ sư giảm tỷ lệ PD. Tuy nhiên trong một nghiên cứu từ Alabama, Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson ở thợ hàn cao hơn so với dữ liệu chuẩn hóa cho dân số nói chung (lưu hành ratio 10,2; 95% CI 4,42323). Hiện tại, chấn thương đầu là yếu tố nguy cơ vẫn còn đang gây tranh cãi. Mặc dù, chấn thương đầu có thể làm nặng thêm các triệu chứng hiện có của bệnh nhân PD. Nhưng một số nghiên cứu khác thì không xác nhận điều này và kết quả bị ảnh hưởng bởi thiên kiến nhớ lại.

Những nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và biến đổi các gen ở người khẳng định rằng di truyền là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Đa số những ca bệnh này thường diễn ra rải rác, chỉ có một vài ca là do yếu tố di truyền. Nghiên cứu cho thấy nếu một cá nhân có tiền sử bệnh trong gia đình về PD thì nguy cơ mắc bệnh gấp đôi so với người bình thường. Các gen được nghiên cứu gồm các gen PARK 1 đến PARK 11. Trong đó một vài gen có tính trạng trội, một vài gen khác có tính trạng lặn. Parkinson có thể xảy ra do một loạt các yếu tố môi trường. Đầu tiên nên được nhắc tới là cảm xúc, những người chịu đựng căng thẳng tâm lý và thể chất cực độ làm tăng nguy cơ PD. Căng thẳng cảm xúc làm tăng số lượng dopamine được sản xuất gây ra chết tế bào thần kinh oxy hóa. Tuy nhiên điều này vẫn chưa có chứng cứ cụ thể để chứng minh. Những người hướng nội, trầm cảm có liên quan đến việc tăng nguy cơ PD. Trong nghiên cứu hồi cứu, bệnh nhân PD thận trọng hơn, kém linh hoạt và yên tĩnh hơn so với đối tượng kiểm soát. Điều này cần phải được kiểm tra trong các nghiên cứu lớn hơn. PD có thể diễn ra bởi các yếu tố chất độc bao gồm: Mangan, thuốc trừ sâu và dung môi, CO, MPTP.

Vai trò của hoạt động trị liệu

Quá trình thoái triển của PD dấn đến sự mất khả năng thực hiện ADLs, sau đó là tình trạng chức năng kém dẫn đến chất lượng cuộc sống đi xuống. Can thiệp hoạt động trị liệu có thể được tiến hành ở nhà bệnh nhân hoặc các trung tâm phục hồi chức năng. Người nhà phải hiểu được sự thiếu hụt của bệnh nhân và các mục tiêu vì vậy họ có thể tạo động lực cho bệnh nhân thực hiện các bài tập của nhà hoạt động trị liệu tại nhà để cải thiện chức năng sống của họ. Bệnh nhân có thể mất rất nhiều thời gian để thực hiện ADLs không những bởi vì sự suy yếu của hoạt động mà còn vì sự thiếu hụt về nhận thức. Những thiếu hụt này gây cản trở đến sự thực hiện của những cử động phức tạp như là trả tiền hóa đơn. Do đó, nhà hoạt động trị liệu thiết kế bài tập đa dạng về thể trạng và những khó khăn về tâm lý xã hội. Mỗi bệnh nhân nên được cá nhân hóa về sự can thiệp cho sự yếu vận động như là thăng bằng, điều hợp, đông cứng. Lượng giá môi trường tại nhà và điều chỉnh môi trường sống cho bệnh nhân là cần thiết. Lượng giá nên nhấn mạnh vào khía cạnh vận động, nhận thức, ADLs và IADLs, môi trường ở nhà, sự hỗ trợ của người chăm sóc hoặc gia đình và tâm lí xã hội.

Có nhiều lượng giá tiêu chuẩn cụ thể cho Parkinson được dùng trong bối cảnh nghiên cứu. Trong số đó có những lượng giá cụ thể về chức năng di chuyển hằng ngày (ADLs) như là:

  • The MDS-sponsored Revision of the Unified Parkinson’s Disease Rating Scale (MDS-UPDRS)
  • The Parkinson’s Disease Questionaire (PDQ-39)
  • Canadian Occupational Performance Measure (COPM)
  • Modified Fatigue Impact Scale (MFIS

Can thiệp chi tiết về hoạt động trị liệu cho bệnh nhân Parkinson

  1. Ảnh hưởng của triệu chứng vào sự tham gia hoạt động:
    • Vận động chậm:

Vận động chậm là sự bắt đầu cử động chủ ý chậm chạp, cử động được lặp đi lặp lại với sự tiến triển giảm dần về tốc độ và biên độ. BN có những triệu chứng và giới hạn chức năng với vận động chậm bao gồm không phối hợp đánh tay khi đi bộ hoặc các hoạt động như tập thể dục. Khó khăn trong đi bộ dẫn đến việc kéo lê chân trong giai đoạn sớm của bệnh (giai đoạn 1 và 2).

 Do đó việc cung cấp các mệnh lệnh, gợi ý từ bên ngoài như hô to nhịp 1212 khi bước đi, dán các mảnh keo theo màu cho từng bước chân giúp BN dễ dàng thực hiện vận động hiệu quả hơn. Sự hiệu quả được minh chứng trong nghiên cứu huấn luyện gợi ý dựa vào nhà ở của Nieuboer và cộng sự [8], ông thực hiện nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng bằng phương pháp làm mù đơn (single blind study) cho 153 BN PD (41-80 tuổi) ở giai đoạn từ 2-4. Trong đó nhóm can thiệp sớm (N=76) nhận chương trình gợi ý tại nhà dùng thiết bị gợi ý nguyên bản trong 3 tuần có hướng dẫn của NTL và 3 tuần không có hướng dẫn của NTL, nhóm can thiệp trễ (N=77) cũng tiếp nhận chương trình can thiệp nhưng theo thứ tự can thiệp ngược lại. Sau 6 tuần đầu, cả 2 nhóm tiếp tục được theo dõi nhưng không có can thiệp trong 6 tuần kế tiếp. Đo lường được thực hiện sau 3 tuần, 6 tuần và 12 tuần bằng khảo sát mù. Kết quả cho thấy có sự thay đổi đáng kể sau khi can thiệp, mức độ đông cứng giảm, tốc độ dáng đi, thăng bằng và chiều dài bước chân được cải thiện khiến cho BN tự tin trong việc thực hiện các hoạt động chức năng. Ngoài ra sự nhắc nhở còn giúp cải thiện các hoạt động chức năng và chất lượng cuộc sống của BN PD.

Về chiến lược huấn luyện tại nhà theo Tim Vanbellingen và cộng sự thực hiện nghiên cứu RCT trên 103 BN Parkinson (48-80 tuổi) ở giai đoạn 1 đến 4 (theo Hoehn and Yarh) với 2 nhóm: chương trình khéo léo tại nhà (HOMEDEXT) (N=52) và chương trình dây thun trị liệu (THERA-BAND) (N=51). Trong 4 tuần can thiệp với 5 lần 1 tuần, 30 phút mỗi lần và được đo lại sau 12 tuần can thiệp. Kết quả có sự thay đổi đáng kể một cách tích cực của nhóm HOMEDEXT so với nhóm THERA-BAND [11] về những kĩ năng vận động tinh và các ADL liên quan đến sự khéo léo và chính xác. Nên vấn đề về chữ viết của NB (chữ ngày càng nhỏ dần) và khó khăn trong các vận động tinh của bàn tay (cài nút áo, kéo khóa zip, đan, thuê, cắt thức ăn, v.v) cũng được cải thiện. Một số bài tập chức năng bàn tay nên tăng tiến độ khó tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.

 Bên cạnh đó hướng dẫn NB trong vấn đề lăn lật và rút ngắn thời gian thực hiện để cải thiện sự khó khăn trong việc dịch chuyển trên giường. Mất đi sự biểu hiện cảm xúc của khuôn mặt thường được mô tả là gương mặt cứng đờ và giảm chớp mắt. Kết hợp sử dụng các bài tập Yoga cho mặt trong quá trình điều trị cũng có hiệu quả đối với BN PD.

  • Run khi nghỉ ngơi:

Run là một biểu hiện điển hình của PD thường xảy ra khi bộ phận cơ thể NB được nghỉ ngơi. Ví dụ như cánh tay và bàn tay run khi NB nghỉ ngơi ở trên bàn. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đế tác vụ ăn bởi vì cử động không chính xác gây vương vãi thức ăn ra ngoài. Cố định chi thể trên một bề mặt ổn định, cầm đồ dùng có khối lượng nặng để giảm sự run của BN. Sự phân tâm có thể giúp giảm run khi nghỉ đặc biệt nếu BN đang lo sợ. Khi BN quá chú ý vào việc run của mình, hướng BN sang sác vụ khác như đếm ngược từ 20 đến 1. Run tư thế xảy ra khi duy trì một vị thế như giữ cốc nước trước mặt trên không trung trong thời gian nhất định. Run khi thực hiện hoạt động xảy ra khi thực hiện một tác vụ như với lấy một cốc nước. Khi NB đi bộ, stress, lo âu biểu hiện run của chi thể cũng tăng lên. Run biến mất khi ngủ. Bên cạnh đó triệu chứng này ảnh hưởng tới nhiều hoạt động trong cuộc sống của NB đặc biệt là vấn đề viết tay.

  • Co cứng:

Những bệnh nhân mô tả việc co cứng như là cảm giác cứng cơ và là nguyên nhân gây ra cảm giác đau, đau vai là một trong những biểu hiện ban đầu thường gặp nhất của PD và xuất hiện sự đông cứng của khớp vai. Nó thường được chẩn đoán nhầm là viêm khớp, viêm bao hoạt dịch hoặc tổn thương gân cơ chóp xoay. Bên cạnh đó, đau ở BN PD có thể cũng bởi vì do loạn TLC. Thư giãn, di động xương bả vai để giảm đau và giảm sự co cứng và tăng tầm vận động cho vai. Co cứng có thể xảy ra ở đầu gần (cổ, vai, hông) và cả đầu xa (cổ tay, mắt cá). Do đó, co cứng ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động sống hằng ngày như là đi lại, ăn, uống, mặc quần áo, cử động trên giường, tắm, vệ sinh cá nhân…Đối với BN co cứng, nhà HĐTL cần kéo dãn các nhóm cơ chính ví dụ như: cơ tứ đầu đùi, cơ tam đầu đùi, cơ tam đầu cẳng chân, nhóm cơ thân mình… Ngoài ra bổ sung các bài tập gia tăng, duy trì tầm vận động vào các hoạt động sống hằng ngày như với đồ trên cao (sách, phơi quần áo), nhặt vật trên sàn….

  • Tư thế không ổn định:

BN gặp vấn đề với điều hợp khi bất ngờ thay đổi hưởng chuyển động (bị gọi bất ngờ từ phía sau, xoay người đột ngột khi đang di chuyển để tránh vật cản), thăng bằng kém dẫn đến việc nguy cơ té ngã cao, mất các phản ứng bảo vệ khiến BN không thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột của mặt phẳng chân đế. Hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa té ngã cho NB sẽ được đề cập trong mục phía dưới.

  • Ngăn ngừa té ngã:

Quản lý nguy cơ té ngã của BN PD tuân thủ theo 3 nguyên lý:

  • Giữ môi trường ở một cách an toàn, gọn gàng, để giảm thiểu nguy cơ gây té ngã cho BN bằng cách lượng giá nguy hiểm tại nhà và loại bỏ những nguy hiểm đó.
  • Giữ một thái độ tích cực để làm giảm lo sợ mất tự tin gây ảnh hưởng tới việc đi bộ một cách an toàn mà không té ngã.
  • Thảo luận với NB và người nhà để tìm ra hoạt động ý nghĩa với NB trong giai đoạn hiện tại.

Té ngã thường xuất hiện phổ biến trong các giai đoạn cuối của BN PD (giai đoạn 4,5). Những khiếm khuyết góp phần vào nguy có té ngã là tư thế không ổn định, thăng bằng kém, giảm các phản xạ bảo vệ. Trong một vài trường hợp, điều này còn bị ảnh hưởng bởi thị giác không gian có vấn đề và sự sao nhãng khi di chuyển. Vì vậy sự tập trung khi đi lại là một phần quan trọng cho BN Parkinson. NTL cần cung cấp các hướng dẫn lời nói, đeo các thiết bị hỗ trợ nhắc nhở giúp duy trì tập trung và tập luyện lặp lại nhiều lần để hình thành thói quen tốt cho BN khi đi lại. Mang vật khi đi lại cũng làm giảm sự duy trì thăng bằng cho NB. Cung cấp dụng cụ hỗ trợ như xe đẩy cao (không nên dùng các xe đẩy thấp tăng xu hướng khom cúi người cho NB), túi đeo chéo, túi ở trên khung đi bộ khi đi siêu thị hoặc những lúc cần mang đồ vật.

Với các tác vụ thường được thực hiện trong tư thế đứng đặc biệt khi một tay sử dụng dụng cụ trợ giúp thăng bằng (khung, gậy…) thì Perching stoll có thể có ích và làm giảm nguy cơ té ngã khi thực hiện tác vụ.

Nếu té ngã là một việc không thể tránh khỏi thì hướng dẫn kế hoạch té ngã chủ động và kêu gọi trợ giúp, sử dụng thiết bị cảnh báo là cần thiết. sử dụng các thiết bị cảnh báo thích hợp ví dụ như còi, điện thoại nên được mang theo bên người cả ngày và đêm.

Những điều BN PD nên làm khi té ngã ở nhà
·           Không nên hoảng loạn.

·           Giữ bình tĩnh, đánh giá tình huống.

·           Quyết định đứng dậy hay không đứng dậy.

Bạn có thể dứng dậy an toàn không??
Nếu có thể đứng dậy an toàn Nếu không thể đứng dậy an toàn
Lăn cơ thể qua bên mạnh hơn và chống tay đẩy người ngồi dậy
  • Tạo tiếng ồn hoặc âm thanh đủ lớn để người khác có thể nghe thấy
  • Với lấy điện thoại hoặc còi nếu có
  • Lết ra ngoài cửa chính
Lết tới chỗ có đồ đạc ổn định vững chắc có thể chịu sức để giúp bạn đứng lên Chắc chắn rằng năng lượng được tiết kiệm tối đa và nằm yên chờ trợ giúp
Đứng lên một cách từ từ và an toàn Thông báo với người khác về vấn đề té ngã của mình
Phải nghỉ ngơi và thông báo với ai đó về vấn đề té ngã của mình
  • Quản lí mệt mỏi:

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các chương trình quản lý mệt mỏi có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của NB Parkinson. BN thường phàn nàn họ dễ mệt sau một thời gian gắng sức, điều này có thể là do nỗ lực của họ trong việc giữu tư thế thẳng chống lại trọng lực và các chiến lược cử động không hiệu quả. Bên cạnh đó học cũng than phiền mệt mỏi về tinh thần nếu họ ở trong môi trường bận rộn và trong môi trường xã hội. Tác động của sự mệt mỏi có thể đo lường bởi thang Fatigue Impact Scale (FIS). Tối ưu hóa trong vệc sử dụng thuốc chống PD, BN sẽ cải thiện chức năng và tự quản lý trong các lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày cũng như giúp làm giảm mệt mỏi.

Cân nhắc, xem xét các thói quen hằng ngày, các hoạt động ưu tiên, tái cấu trúc các hoạt động dựa vào mức năng lượng có thể của BN. Và giới thiệu cho BN cách nghỉ ngơi thường xuyên, chuẩn bị cho giấc ngủ sẽ góp phần quản lý mệt mỏi. Giới thiệu cho BN các chương trình quản lý mệt mỏi như là sử dụng kĩ thuật bảo tồn năng lượng (BTNL).

BTNL giúp giảm mệt mỏi, thở ngắn và căng thẳng liên quan đến đau. Học cách BTNL này giúp tìm ra sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc để giảm năng lượng lên cơ thể. Bốn chìa khóa cần nhớ:

  • Sự ưu tiên quyết định cần và nên làm điều gì trước, điều gì làm sau. Dựa vào mức năng lượng của NB.
  • Lên kế hoạch cho hoạt động trước khi thực hiện ví dụ thu thập dụng cụ hoặc thành phần cần thiết trước khi thực hiện.
  • Duy trì một nhịp độ ổn định, vừa phải, không vội vàng. Nghỉ thường xuyên và dừng lại trước khi cảm thấy mệt.
  • Vị thế không nên quá gập hoặc quá với vì sẽ dẫn đến sự mệt mỏi và hơi thở ngắn đi. Luôn luôn duy trì tư thế thẳng khi ngồi hoặc ngồi và ngồi khi có thể.

Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về hoạt động trị liệu cho bệnh nhân Parkinson nhưng vẫn có thể sử dụng những nghiên cứu can thiệp từ nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên của hoạt động trị liệu với bệnh nhân xơ cứng rải rác. Vì xơ cứng rải rác là một rối loạn vận động phức tạp có nhiều nét tương đồng với BN PD: cả hai đều có nguyên nhân từ rối loạn bó ngoại tháp và sự thoái hóa (theo Jain và cộng sự 2004, 2005). Đây là một phần của nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng cung cấp chương trình HĐTL cho 8 BN xơ cứng rải rác gồm 8 buổi trong vòng 8 tuần với mỗi buổi 40 phút và một lần về thăm nhà. Kết quả cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong sinh hoạt hàng ngày và trong giảm thiểu sự mệt mỏi khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

  1. Điều chỉnh, thích nghi và các dụng cụ hỗ trợ:

Về vấn đề hiệu quả của việc điều chỉnh thích nghi trong hoạt động và thay đổi môi trường cho BN PD, theo Ingrid H W M Stuckenboom và cộng sự thực hiện nghiên cứu RCT trên 191 BN với nhóm can thiệp (N=124) và nhóm kiểm soát (N=67) vào tháng 4/2011 đến 2/2012. Đầu tiên nghiên cứu xác định ưu tiên của BN bằng COPM, tuần 1 và 2 là giai đoạn chuẩn đoán, qua tuần thứ 2 lên kế hoạch hợp tác giữa mục tiêu và điều trị, từ tuần thứ 3 đến 10 là giai đoạn điều trị. Sau 3 đến 6 tháng nhóm can thiệp có thay đổi tốt hơn đáng kể trong việc thực hiện (ADLs) và mức độ hài lòng (ADLs và IADLs) trong các hoạt động ưu tiên.

Trong sinh tắm rửa và vệ sinh cá nhân hằng ngày của NB, cần trang bị dụng cụ trợ giúp ghế tắm, áo choàng tắm, xà bông tắm có dây cột vào tay để phòng ngừa té ngã và BTNL cho BN. Lắp thanh vịn và thảm chống trượt là cần thiết. Chia nhỏ tác vụ tắm thành nhiều bước và có khoảng nghỉ giữa các bước. Sử dụng nước ấm khi tắm để loại bỏ hơi thở ngắn. Bên cạnh đó, tránh dùng các sản phẩm có mùi như là dưỡng ẩm hay là sản phẩm chăm sóc tóc bởi vì nhiều người có thể dị ứng dẫn đến khó thở.

Lắp các thanh vịn gia tăng sự an toàn khi di chuyển trong khu vực nhà vệ sinh cho BN. Thiết lập thời khóa biểu đi vệ sinh cho NB cho những NB bị tăng phản xạ bàng quan.

Cho BN ngồi dựa vào tường khi mặc quần áo nếu thăng bằng bị ảnh hưởng. Hạn chế gập thân người và có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: sock aid, reacher… khi cần thiết và luôn mặc quần trước khi mặc áo. Điều chỉnh quần áo trở nên dễ mặc hơn cho BN như thay thế các nút nhỏ bằng velcro, chọn những quần áo rộng rãi, thoải mái (vải cotton) dễ mặc phù hợp với BN, sử dụng giày được cột dây sẵn, dùng velcro hoặc giày slip on. Thực hiện trong môi trường yên tĩnh tránh gây mất tập trung. Sử dụng một số vật dụng hỗ trợ để thực hiện hoạt động một cách dễ dàng hơn.

Trong vấn đề ăn uống hằng ngày, NTL nên chắc chắn BN ngồi thẳng lưng, khuỷu tay được nâng đỡ phù hợp ( nâng đỡ trên bàn ) với tư thế của BN. Ánh sáng đầy đủ, giảm các yếu tố gây nhiễu tránh gây mất tập trung cho BN. Ví dụ: sắp xếp vật dụng một cách gọn gàng, giảm thiểu các vật dụng không cần thiết…Chia nhỏ, làm mềm, thức ăn không nên quá lỏng hoặc quá đặc để thuận tiện cho việc nuốt của NB. Ngoài ra cần điều chỉnh dụng cụ ăn uống đối với một số BN. Sử dụng các vật dụng (muỗng, đũa) với khối lượng nặng để giảm rung, sử dụng ly có 2 tay cầm, dùng ống hút hoặc dùng cái cốc có điều chỉnh. Dùng tấm chống trượt, dùng đĩa có vành cao để chống rơi rớt thức ăn.

Về việc di chuyển trong nhà của NB, thực hành tập trung vào việc đi lại tránh những cuộc nói chuyện không cần thiết. Hướng dẫn NB dừng lại trước khi đổi hướng (sang trái, sang phải, quay lại). Di chuyển theo hình vòng cung lớn để đổi hướng đi tăng sự an toàn so với trường hợp xoay người đột ngột. Tối ưu hóa sự ổn định của cơ thể bằng cách đứng chân rộng bằng vai, bước 1 chân lên trước khi với lấy vật tránh nguy cơ té ngã. Xem xét, huấn luyện việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ di chuyển (gậy, khung). Sử dụng hệ thống ánh sáng đầy đủ tại các vị trí trong nhà như cầu thang, nhà vệ sinh,…Giảm số lượng vật dụng trong nhà không cần thiết như thảm, dây điện và sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách nhất quán, gọn gàng. Nếu có thể dùng những màu sắc và kết cấu tương phản trên sàn nhà để BN có thể nhìn rõ hơn.

Thêm vào đó, trong lĩnh vực vệ sinh cá nhân nếu có thể NTL nên khuyến khích dùng dao cạo, bàn chải đánh răng bằng điện. Đối với các tác vụ đứng, BN cần ổn định chi thể trên các cạnh của lavabo tăng sự thăng bằng hỗ trợ cho sự hoạt động của đầu và cổ hoặc ngồi để thực hiện hoạt động nếu bệnh nhân có sự suy giảm về sức bền. Ngồi để đánh răng, cạo râu, sấy tóc… ngăn ngừa khă năng té ngã và tránh gây mệt mỏi cho BN là cần thiết. Sử dụng các dụng cụ có điều chỉnh hoặc trợ giúp.

Trong chuyển thế trên giường, cần dạy cho BN phương pháp ngồi dậy bằng cách nghiêng qua vừa giúp BN BTNL vừa bảo vệ khớp hiệu quả. Đánh giá cần thiết để lắp đặt thanh vịn trên giường. Chèn gối dài ở phần lưng hoặc mền dày ở dưới hông để duy trì tư thế và chống sự trượt khi ngồi. Đối với BN có nhu cầu đi vệ sinh trong khi ngủ nên cung cấp đầy đủ các hệ thống chiếu sáng.

Đối với ADL là nấu ăn, NB nên liệt kê danh sách, lên kế hoạch và chuẩn bị tất cả các nguyên liệu cần thiết trước khi nấu ăn. Áp dụng định luật BTNL như nấu và nướng từng bước, cân bằng thời gian nấu và nghỉ, nên ngồi nấu hơn là đứng, tránh các hoạt động với quá tầm, đặt các dụng cụ và thiết bị ngang tầm với, không quá cao cũng không thấp, nấu nhiều và để trong tủ lạnh để dành cho các bữa ăn sau, sử dụng đồ dùng nhà bếp như chén, bát, đĩa… nhẹ, Sử dụng cốc và đĩa giấy để khỏi rửa nếu cần thiết. Sử dụng các thiết bị điện như máy đánh trứng, máy rửa chén, nồi áp suất… để bảo tồn năng lượng. Xem xét việc sử dụng các dịch vụ giao hàng bên ngoài khi cần thiết.

  1. Can thiệp nhóm:

Một trong những can thiệp mang lại hiệu quả cho bệnh nhận Parkinson đó là can thiệp nhóm. Và hiệu quả của can thiệp nhóm đã được minh chứng trong bài nghiên cứu lợi ích của việc can thiệp nhóm cho BN PD do Louise Gauthier, Sandra Dalziel, Serge Gauthier thực hiện trong nghiên cứu RCT theo phương pháp mù đơn cho 2 nhóm BN trong giai đoạn 2, 3, 4 (N=59): kiểm soát (N=29) và thực nghiệm (N=30). Tái lượng giá được thực hiện vào lúc 6 tháng và 1 năm sau điều trị. Kết quả về mặt vận động là sự giảm bớt đáng kể về vận chậm tại lúc 6 tháng và 12 tháng sau. Còn về mặt thay đổi hành vi thì có sự thay đổi đáng kể về dáng vẻ bên ngoài (chải chuốt, lựa chọn quần áo v.v), giảm sự lo lắng và tăng sự tự tin.

Qua các nội dung đã được đề cập ở trên, chúng ta đã thấy sự hiệu quả của các phương pháp các thiệp giúp cho bệnh nhân Parkinson quay trở lại cuộc sống ban đầu của họ để thực hiện các hoạt động hằng ngày một cách độc lập nhất có thể. Nhưng hiện tại cần nhiều thêm các nghiên cứu lượng giá và áp dụng hoạt động trị liệu để hướng tới các phần khác nhau trong cuộc sống của người bệnh Parkinson và đánh giá được sự hiệu quả của các can thiệp giúp cho bệnh nhân Parkinson.

(Nhóm tác giả: Phạm Thị Quỳnh Quyên, Đào Tăng Thiện, Quãng Vĩnh Thành Niên

                      Cử nhân HĐTL (2016-2020), ĐH Y Dược Tp HCM)

Bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Tin Liên Quan