Giới thiệu về dự án Phát triển chương trình đào tạo Hoạt động trị liệu tại Việt Nam

Ngành phục hồi chức năng (PHCN) đã được thiết lập và triển khai hoạt động tại Việt Nam hơn 40 năm nay. Tuy nhiên, công tác đào tạo và cung cấp dịch vụ mới tập trung ở lĩnh vực Vật lý trị liệu. Nhu cầu về Hoạt động trị liệu của người dân tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng rất lớn trong khi Việt Nam chưa có đào tạo nguồn nhân lực Hoạt động trị liệu chính thức và bài bản mặc dù một số cơ sở phục hồi chức năng ở các thành phố lớn, đã cung cấp các dịch vụ Hoạt động trị liệu cơ bản tại viện. Trước năm 2016, đào tạo về Hoạt động trị liệu mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào chương trình đào tạo kỹ thuật viên hoặc cử nhân Vật lý trị liệu của một số trường đại học Y Dược, đại học kỹ thuật y tế. Các dịch vụ cơ bản về Hoạt động trị liệu mới chỉ được cung cấp tại vài bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng lớn. Thực trạng này phần nào hạn chế việc tối đa hoá hiệu quả điều trị Phục hồi chức năng cho người bệnh nhằm đạt được mục tiêu sau cùng là để người khuyết tật có thể độc lập thực hiện được các chức năng sinh hoạt hàng ngày và có thể tham gia học tập, làm việc, giao tiếp xã hội phù hợp với điều kiện khuyết tật và hoàn cảnh sống của họ.

Bắt đầu từ tháng 9/2015, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) đã phối hợp với trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực Hoạt động trị liệu trong khuôn khổ dự án 5 năm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án nhận được sự hỗ trợ và tham gia vào  các hoạt động kỹ thuật từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Hội phục hồi chức năng Việt Nam (VINAREHA) và các chuyên gia phục hồi chức năng đến từ các Trung tâm, Bệnh viện Phục hồi chức năng lớn, bộ môn phục hồi chức năng của các trường đại học Y Dược Huế, Đà Nẵng, Tp HCM, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật của trường ĐH tổng hợp Manipal – Ấn Độ, nơi đã có trên 50 năm kinh nghiệm đào tạo và phát triển ngành Hoạt động trị liệu.

Mục tiêu chung của Dự án là xây dựng nền tảng phát triển đào tạo Hoạt động trị liệu chính quy và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Trong thời gian 5 năm, từ 9/2015 đến 9/2020, dự án sẽ triển khai thực hiện những mục tiêu cụ thể và các hoạt động chủ yếu sau đây:

  • Đào tạo nguồn nhân lực giảng viên nòng cốt cho công tác giảng dạy Hoạt động trị liệu tại các trường đại học Y khoa. Một nhóm 5 giảng viên trẻ của hai trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và đại học Y Dược Tp HCM đã được lựa chọn và cử đi đào tạo bậc cử nhân, sau đó học thông lên bậc Thạc sĩ Hoạt động trị liệu tại Ấn Độ, thời gian tổng cộng là 5,5 năm, đến giữa năm 2021 sẽ hoàn thành các khoá học này.
  • Xây dựng chương trình khung, giáo trình chi tiết và nội dung giảng dạy Hoạt động trị liệu bậc cử nhân, bước đầu thử nghiệm đào tạo ở hệ đào tạo cử nhân Phục hồi chức năng chính quy, theo hình thức vừa làm vừa học với đầu vào là KTV Vật lý trị liệu hệ cao đẳng, học 2 năm tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; theo hình thức chính quy liên thông với đầu vào là KTV Vật lý trị liệu trung cấp, thời gian học liên tục 3 năm tại trường Đại học Y Dược Tp HCM. Dự kiến, tới tháng 9/2020 hai khoá đào tạo này sẽ kết thúc với khoảng 50-60 sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân Phục hồi chức năng, chuyên ngành Hoạt động trị liệu để kịp thời cung cấp cho các cơ sở Phục hồi chức năng nguồn nhân lực thực hành Hoạt động trị liệu được đào tạo bài bản trong nước lần đầu tiên tại Việt Nam.
  • Nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ trong ngành Phục hồi chức năng về Hoạt động trị liệu thông qua nhiều hoạt động hội thảo khoa học, tham quan học tập, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về Hoạt động trị liệu.

Bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Tin Liên Quan